Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM mới đây, Hiệp hội BĐS TPHCM lại một lần nữa nhấn mạnh và khuyến nghị cần sớm mở rộng điều kiện để cho Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở như người trong nước.
Mở rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà để ở hoặc đầu tư là một cách giải phóng tồn kho BĐS.
Theo phân tích của Hiệp hội BĐS TPHCM, hiện nay có hơn 4 triệu người Việt ở hầu hết các nước trên thế giới, tập trung đông nhất ở Hoa Kỳ, hằng năm lượng kiều hối gửi về nước trên 10 tỉ USD. Đề nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước là hợp lý và góp phần hướng bà con Việt kiều gắn bó với quê hương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đối với người nước ngoài, kiến nghị cho họ được mua và sở hữu nhà hạng sang phù hợp thông lệ quốc tế. Hiện có khoảng 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó khoảng 80.000 người ở TPHCM và hàng chục ngàn người Nhật, Philippines… nên nhu cầu mua nhà rất lớn. Cho phép người nước ngoài mua nhà hạng sang tại các khu vực được cho phép là tạo công ăn việc làm và không cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước về nhà ở và góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở hạng sang hiện nay.
Thị phần lớn như vậy, nhưng kết quả giao dịch lâu nay khá thấp. Theo lý giải của các DN BĐS, khung pháp lý hiện nay rất khắt khe cho đối tượng này mua nhà. Tại TPHCM và Hà Nội, lượng khách nước ngoài quan tâm và giao dịch BĐS chiếm 10-20% tổng doanh số bán hàng của các dự án trung – cao cấp. Con số này được đánh giá là còn khá khiêm tốn so với tiềm năng rất lớn của thị trường.
Luật hiện hành đang cho phép 5 đối tượng người nước ngoài mua nhà, song với “rừng” thủ tục, điều kiện hạn chế, không được kinh doanh, không được cho thuê nên trừ các nhà đầu tư lớn, trường vốn để theo đuổi các dự án BĐS trong nhiều năm, các cá nhân người nước ngoài đều nản lòng.
Trong khi đó, thực tế các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam một cách khá đầy đủ từ nhiều năm nay, dưới hình thức nhà đầu tư dự án 100% vốn nước ngoài, liên doanh hay chỉ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ (dù ở hình thức này rất ít và phải lách luật, thậm chí nhờ người đứng tên).
Hiện nay, ở nhiều dự án lớn, có nơi đến hơn 90% là vốn ngoại nhưng vẫn phải cho người Việt Nam góp vài phần trăm dưới hình thức liên doanh để việc mua bán, vận hành được dễ dàng hơn. Chính vì vậy, giới buôn BĐS kỳ vọng dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cho phép tăng số lượng, thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam cho cá nhân, tổ chức nước ngoài sẽ sớm được thông qua, từ đó kích thích vốn ngoại chảy vào địa ốc nhiều hơn.
Việc sửa các quy định cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yêu cầu được Bộ Xây dựng đề ra khi rà soát lại Luật Kinh doanh BĐS.
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng này đều có quyền sở hữu nhà ở bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Việc sở hữu nhà ở như tờ trình dự thảo, sẽ là theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu có nhu cầu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, nếu “mở” toàn phần, sẽ khó tránh được tình trạng hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống. Hay bên cạnh đó, việc mở cửa cho người nước ngoài mua bán nhà ở trong khi với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước, cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng sở hữu nhà ở đối với các đối tượng nêu trên, nhất là người nước ngoài như vậy sẽ tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường BĐS…
Một chủ đầu tư dự án BĐS cao cấp ở TPHCM cho rằng, một trong những cách giải phóng hàng tồn kho BĐS là mở rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà để ở hoặc đầu tư vào thị trường Việt Nam. Khi chúng ta mở cửa hơn với nhà đầu tư, đồng nghĩa với việc chúng ta tăng cường hơn sức cạnh tranh của Việt Nam, làm cho thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với thị trường nước ngoài.
Sự phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam không trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn ngoại, nhưng để kích thích thị trường ngày càng cạnh tranh, minh bạch, chuyên nghiệp thì rất cần đến sự tham gia đầy đủ của người nước ngoài, từ DN đến cá nhân. Vấn đề là Chính phủ phải tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường hạn chế rủi ro và không phải… lách luật.
Về lâu dài, giá trị cốt lõi của chính sách này mở ra một môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn hơn cho khối ngoại. Đây là bước đệm kích thích nhà đầu tư nước ngoài quan tâm cũng như đặt niềm tin vào thị trường BĐS Việt Nam nhiều hơn, vị giám đốc này phân tích.