Từ đầu năm 2014, hàng loạt chính sách mới cho thị trường BĐS có hiệu lực. Với những chính sách này, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đạt được những bước “đột phá” mới.

Trong tháng 7 này, thị trường nhà đất sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều chính sách mới quan trọng.

Luật đất đai 2013 bắt đầu có hiệu lực

Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2014. So với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều, đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003. Đây là đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân.

Luật Đất đai năm 2013 vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Đất đai năm 2003, nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung một số quy định định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2003 như mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất; khắc phục hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan…

Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Theo đó, Nghị định quy định 7 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như: Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để bảo vệ, cải tạo đất; Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích; Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất; Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường; Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….

Nghị định cũng quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với các hình thức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.

Nghị định có hiệu lực từ từ ngày 1/7/2014

Nghị định mới về giá đất 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất. Nghị định quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất.

Khung giá đất quy định chi tiết đến 7 vùng kinh tế (vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Nghị định cũng nêu rõ, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong khung giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên, thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất. 

Nghị định có có hiệu lực từ ngày 1/7/2014

Nghị định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó quy định việc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở mà các trường hợp này đủ điều kiện theo quy định thì khi thu hồi hết đất ở (hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND tỉnh; hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn) sẽ được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư. 

Nghị định cũng quy định hỗ trợ ổn định đời sống cho đối tượng khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, thu hồi từ 30-70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian sáu tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.

Nghị định có hiệu lực từ từ ngày 1/7/2014

Thông tư quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 84/2013/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở phục vụ tái định cư mà có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì thực hiện theo quy định như sau: 

Căn cứ phương án tái định cư đã được phê duyệt, các hộ gia đình, cá nhân tái định cư có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội nộp đơn (trong đó đề xuất lựa chọn vị trí dự án nhà ở xã hội) đề nghị UBND cấp huyện nơi cư trú xem xét, giải quyết.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/7/2014

Thanh Ngà

Theo Trí Thức Trẻ