Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, thế nhưng, dưới góc nhìn của nhà đầu tư người Malaysia, ông Chow Chee Fan thì đây lại là… điều tốt.

 

Xung quanh về tình hình BĐS trong thời gian qua, phóng viên ĐS&TD đã có cuộc trao đổi với ông Chow Chee Fan –  Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín – Tân Thắng. Ông Chow Chee Fan sinh năm 1972 tại Malaysia. Ông từng tốt nghiệp trường University Techology Malaysia.

Ông Chow Chee Fan- Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín – Tân Thắng

* Chào ông! Xin ông cho biết, ông bắt đầu quan tâm tới thị trường BĐS Việt Nam từ khi nào? Và ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS Việt Nam?

– Năm 2009, tôi bắt đầu có những hiểu biết về thị trường BĐS Việt Nam và khi đó,  thị trường BĐS Việt Nam rất sôi động. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây, nền kinh tế khó khăn nên BĐS cũng bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, BĐS Việt Nam đang rơi vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay.

* Thị trường BĐS Việt Nam có khác nhiều so với thị trường BĐS Malaysia không thưa ông?

– Thị trường BĐS Việt Nam và Malaysia đều gặp khó khăn như nhau và giá cả có lúc lên lúc xuống. BĐS Malaysia cũng từng trải qua 3 lần khó khăn. Lần thứ nhất từ năm 1987 – 1988, lần thứ 2 vào năm 1997 và lần thứ 3 là vào năm 2008.

BĐS Việt Nam khó khăn kéo dài thời gian khá lâu và cũng giống như Malaysia đây sẽ là giai đoạn sàng lọc. Qua đó, những doanh nghiệp mạnh sẽ khẳng định được năng lực của mình để tồn tại và phát triển, ngược lại, những doanh nghiệp yếu sẽ bị “đào thải” khỏi thị trường BĐS. Suy cho cùng, thị trường BĐS có những lần khó khăn như vậy cũng là điều tốt!

* Vậy các doanh nghiệp địa ốc sẽ gặp phải khó khăn gì khi đầu tư vào thị trường BĐS?

– Chi phí đầu tư ở Việt Nam quá cao. Từ giá đất, tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng và tiền thuế sử dụng đất đều cao. Bên cạnh đó, ngân hàng lại không hỗ trợ nhiều cho khách hàng.

Ở Malaysia nếu 100 người mua nhà thì có đến 98 người vay tiền ngân hàng. Họ vay từ 50% – 90% giá trị căn nhà nhưng lãi suất phải trả chỉ rơi vào tầm 4% – 5%. Trong khi đó, ở Việt Nam khách hàng rất ngại vay ngân hàng vì lãi suất cao. Ngoài ra, thủ tục vay được rất khó vì hầu hết ngân hàng đều đặt sự an toàn lên quá cao. Lãi suất cao, người dân không dám vay đã đành, nhưng lại có một nghịch lý là nhiều người muốn vay cũng không thể vay vì không đủ đáp ứng tiêu chuẩn của ngân hàng đưa ra như tiền lương…

Chính sách Nhà nước đối với doanh nghiệp địa ốc ở Việt Nam khá rườm rà và chưa rõ ràng, quá nhiều thủ tục. Ví dụ, ở Malaysia, nếu như quy hoạch 1/500 sau 1 hoặc 2 năm doanh nghiệp đã mua diện tích đất quy hoạch đó có thể tự ý thay đổi quy hoạch mà Chính phủ không can thiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam nếu muốn thay đổi quy hoạch để phù hợp thì lại vô cùng khó khăn.

* Theo ông, để vượt qua khó khăn và tồn tại trong thời điểm hiện tại các doanh nghiệp địa ốc cần làm gì?

– Cần phải tạo niềm tin cho khách hàng, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng xây dựng. Những dự án đầu tư cần chú trọng tới dịch vụ và tiện ích có tại dự án đó để thu hút khách hàng.

* Ông dự đoán như thế nào về BĐS Việt Nam trong thời gian tới?

– Cuối năm nay thị trường BĐS sẽ bắt đầu ổn định, có thể năm sau sẽ tốt dần lên và tới năm 2016 – 2017 thị trường sẽ thực sự tốt.

Thị trường BĐS vẫn còn nhiều cơ hội, vì nhiều người Việt vẫn đang rất cần nhà ở.

* Vậy ông có thể chia sẻ vì sao mà CTCP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín – Tân Thắng đầu tư vào dự án Celadon City?

– Quan điểm của tôi là chỉ đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, chính vì thế, Celadon City chính là lựa chọn.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyên Vũ (Báo Đời sống & Tiêu dùng)