Những giải pháp về thu hồi sổ đỏ, sổ hồng, về chuyển nhượng dự án,…vừa được ban hành.

Tháng 8 năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3526 gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc giải quyết vấn đề vướng mắc trong quản lý đất đai, theo Báo cáo số 3217/UBND-TNMT của Hà Nội. Theo đó, hiện có 4 vấn đề vướng mắc trong quản lý đất đai được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hà Nội giải quyết gồm.

-Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận) đã cấp trái pháp luật: Bộ TNMT đã đồng ý với cách giải quyết của Hà Nội, và cho rằng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng về tranh chấp về quyền sử dụng đất là di sản thừa kế làm phát sinh khiếu kiện thì giải quyết theo Điều 645 Bộ Luật Dân sự.

Thực hiện chỉ đạo này, UBND TP Hà Nội ngày 9/9/2014 đã ban hành văn bản 6803 gửi các đơn vị liên quan, chỉ đạo giải quyết vướng mắc về thu hồi Giấy chứng nhận. Theo đó, cấp Giấy chứng nhận trái luật và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước (như thất thu thuế, vi phạm quy hoạch) mà chủ sở hữu đã chuyển nhượng cho người khác thì không thu hồi Giấy nhưng nhận, nhưng phải truy thu tiền sử dụng đất và xử lý trách nhiệm hành chính.

Trong trường hợp Giấy chứng nhận được thế chấp mà xảy ra tranh chấp, được Tòa xét xử, và tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu, yêu cầu chủ đất trả lại tiền cho tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phải trả lại giấy tờ đất cho chủ sở hữu, không thu hồi Giấy chứng nhận. Các bên không thực hiện bản án dân sự thì thực hiện đúng quy định theo Luật đất đai 2013 và Nghị định 43 của Chính phủ

Trường hợp bên thế chấp thực hiện bản án (trả lại tiền cho tổ chức tín dụng) nhưng bên nhận thế chấp không trả Giấy chứng nhận, thì các sở, ngành căn cứ xác nhận và kiến nghị của đơn vị thi hành án đề thu hồi Giấy chứng nhận đó và xét cấp lại theo quy định.

Trường hợp cơ quan chức năng kết luận Giấy chứng nhận đã cấp là trái pháp luật, nhưng chủ sở hữu đang thế chấp, sau khi các bên thực hiện xong hợp đồng tín dụng thì thu hồi Giấy chứng nhận.

-Trường hợp cấp Giấy chứng nhận không có tranh chấp nhưng nay xảy ra tranh chấp là di sản thừa kế làm phát sinh khiếu kiện, thì giải quyết theo Điều 645 Bộ Luật Dân sự.

Về việc chuyển nhượng Dự án

Hà Nội giao cho các Sở Tài nguyên, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đó, Bộ này chỉ đạo Hà Nội áp dụng theo quy định của Điều 17 Luật Đầu tư 2005, Điều 66 Nghị định 108 của Chính phủ và Điều 21 Luật kinh doanh bất động sản, Điều 6,7,8,9 của Nghị định 153,…

Đối với các dự án xây dựng văn phòng, trụ sở, TTTM, cơ sở sản xuất kinh doanh mà Nhà nước cho thuê đất, có thu tiền sử dụng đất nhưng chủ dự án đã liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với đối tác khác phù hợp quy định của pháp luật, thì chủ dự án phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Trường hợp hợp tác không đúng quy định pháp luật thì thu hồi theo quy định của Điều 64 Luật Đất đai, và Điều 66 Nghị định 43.

Về đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho chủ đầu tư khác, vì thiếu năng lực tài chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hà Nội căn cứ vào các quy định của pháp luật để thực hiện.

Theo Infonet